I. Tổng quan
- Tên thường gọi: Cây Sanh
- Tên khoa học: Ficus benjamina L
- Họ thực vật: Moraceae (họ Dâu Tằm)
- Chiều cao cây: 4-5 m
- Đường kính thân: 12-15 cm
- Phân bố: Được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới ẩm, hiện nay thường được thấy ở hầu hết các nước châu Á.
II. Đặc điểm
Là cây thân gỗ, kích thước của cây thay đổi tùy vào môi trường sống, cây có chiều cao từ 15-20m, trong điều kiện tự nhiên cây có thể đạt chiều cao đến 30m.
Cây có khả năng phân cành cao, cành nhánh nhiều mọc ngang dễ uốn. Trên thân hoặc cành thường có các u bướu và các sống gờ do sự sinh trưởng mạnh, da thân sần sùi.
Cây Sanh có rất nhiều rễ phụ mọc nhiều từ các cành lớn hoặc thân buông thả xuống đất giống cây si. Các rễ này cùng với rễ mọc từ đất là bộ phận lấy chất dinh dưỡng cùng nước để nuôi cây, rễ thường mọc nhiều và nhanh trong mùa mưa. Toàn cây Sanh có nhựa mủ, có chất sáp và acid cerotic.
Lá cây Sanh có hình trái xoan, với màu xanh đậm, lá nhẵn cả hai mặt, dài từ 3-9cm, rộng 2-6cm, cuống dài 12-20mm. Lá Sanh dày và phân bố trên cành với mật độ cao tạo ra phần tán lá rậm rạp, xum xuê. Lá cây Sanh ngoài tác dụng làm cho cảnh quan xanh mát còn được dùng trong dân gian để chữa ứ huyết do bị thương…
Quả Sanh là dạng quả kép, mọc từng cặp ở kẽ lá của các cành non, quả khi còn non có màu xanh và trên vỏ có phủ lớp lông tơ màu trắng, khi già thì vỏ chuyển dần sang màu vàng, cam và có màu nâu đen khi sắp rụng. Bên trong quả có chứa hạt và có khả năng mọc mầm tạo cây con nếu đủ điều điện ẩm độ, sinh dưỡng. Quả nhỏ như những viên bi tí hon đủ màu sắc trên cây xen kẽ những chiếc lá xanh mướt rất thu hút tầm nhìn.
Cây Sanh ra hoa và quả từ tháng 9 đến tháng 2 hàng năm.
III. Công dụng và ý nghĩa
Cây Sanh được trồng tự nhiên bên ngoài trong các công viên, khu dân cư đô thị, đường phố, sân vườn biệt thự… được cắt tỉa tạo thành các hình dáng bắt mắt khác nhau.
Bên cạnh đó, Cây Sanh còn thích hợp để trồng chậu, tạo dáng bonsai để trang trí nội thất như phòng khách, văn phòng.
IV. Cách trồng cây
Cây con đem trồng ra luống đất hoặc chậu phải có bộ rễ tốt và kích thước nhất định để nhanh tạo được dáng, thế yêu cầu. Đất trồng nên chọn các đất tốt, giàu mùn và có thành phần cơ giới trung bình hay hơi nặng, không nên trồng trên đất sét, gan gà vì như vậy cây sinh trưởng chậm mặc dù vẫn ra lá, cành. Trong trường hợp đất sấu hoặc đất quá nặng cần bón lót thêm phân truồng làm đất trước khi trồng.
Sau khi trồng phải tiến hành chăm sóc thường xuyên như: cắt bỏ các nhánh vô ích, bấm ngọn đặc biệt là tưới giữ ẩm cho đất để duy trì sinh trưởng sự phát triển của cây và làm cho thân cây chóng to.
Một số kỹ thuật làm cây sanh ôm đá đối với những cây sanh mini:
Trước tiên phải có cây sanh và tảng đá vừa ý, sau đó trải rễ lên đá dùng dây cố định rễ, tiếp đó bạn trộn đất + cát + phân chuồng hoai với tỷ lệ 1+1+1 (trộn với nước như vữa), sau đó trát một lớp mỏng khoảng 01cm lên rễ đã được cố định trên đá, dùng nilon bọc chặt lại và chăm sóc tưới giữ ẩm.
- Vật liệu cần sử dụng
Để tiến hành, ta cần sử dụng cây sanh và đá. Chọn đá có hình dạng đẹp, lôi cuốn và có kích thước phù hợp. Chọn những cây sanh khỏe mạnh và có hệ thống rễ rộng, dài, chắc. Trồng cây ngoài vườn khoảng 1 năm để rễ cây đủ dài.
Đá (loại đá Ibigawa Nhật Bản), cây trồng, dây nhựa dùng để ghép cành, kéo, dao lõm, kéo tỉa cây, dao, đồ ngoạm rễ, chĩa, cát sạch.
- Các bước tiến hành tạo sanh ôm đá
Khi cây sanh có đủ rễ, ta cắt bỏ những tán rễ không cần thiết và dùng tay lấy cát ra khỏi rọ che, dùng vòi rửa sạch, nhưng chú ý cẩn thận để không làm hỏng rễ.
Tiếp theo, đặt cây sanh lên trên đá: Cố gắng không dồn rễ về một phía vì bonsai cần được nhìn từ mọi góc độ. Tìm những kẽ hở trên đá rồi đặt rễ vào, làm sao để bonsai trông càng tự nhiên càng tốt. Bạn có thể gối những rễ nhỏ, chưa phát triển vào nhau.
Kế tiếp là đặt rễ đúng chỗ: Mặc dù có nhiều phương pháp nhưng phương pháp sử dụng dây bằng nhựa là hữu hiệu và dễ dàng nhất. Một người giữ rễ vào đúng vị trí, một người quấn hơi chặt dây băng quanh đá, ngoại trừ phần đáy của đá – chỗ rễ sẽ chìa ra, đâm vào trong đất.
Khi rễ sanh đã đặt đúng vị trí, ta bắt đầu phủ đất lên phần đá trong chậu, làm sao để nhìn vào không thấy đá nhưng thấy phần cuối của thân cây.
Tưới nước cho cây sanh: Mặc dù bây giờ rễ cây nhỏ và yếu nhưng tới đúng mùa thì rễ sẽ dày và nhiều hơn.
Ngay khi lấy cây sanh từ trong chậu ra, ta bỏ đất đi rồi rửa sạch, để lộ rễ. Làm nhẹ tay để không làm hư rễ mới được hình thành.
Dùng kéo sắc cắt bỏ phần dây ghép, lưu ý là đừng cắt phăng rễ. Ở đây chúng ta thấy rõ phần rễ sanh và đá được lộ ra. Sau giai đoạn hai năm, rễ cây đủ dài, dày và thật sự bám vào đá. Phần rễ này đã phát triển đáng kể và sẽ là “phần thân dưới” của bonsai khi được trồng vào đĩa gốm.
Nên chọn loại chậu gốm màu nâu không tráng men hoặc màu xanh lá cây để trồng bonsai vì chúng tương đối hài hòa với màu lá.
Khi đã trồng vào chậu, cây sanh khá rậm rạp, vì thế bạn cần tỉa cành thường xuyên để làm tăng cấu trúc cành. Khi các cành đã phát triển khá đầy đủ, chúng ta xén lại để tạo hình. Cứ tiếp tục uốn nắn theo chủ đích của bạn cho đến khi đạt được hình dạng mong muốn.