I. Giới thiệu về cây Chó đẻ
- Tên thường gọi: Cây chó đẻ
- Tên gọi khác: Cây chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, diệp hạ châu đắng
- Tên khoa học: Phyllanthus urinaria L
- Họ thực vật: Thuộc họ thầu dầu – Euphorbiaceae
- Tên tiếng anh: Gripeweed, shatterstone, stonebreaker, leafflower
- Nơi sống: Cây chó đẻ mọc dại ở nhiều nơi nên có thể dễ dàng bắt gặp như ở ven bờ ruộng, nương rẫy
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Màu sắc của hoa: Màu trắng hơi vàng
- Thời gian nở hoa: Ra hoa trong khoảng tháng 4 – 6
- Gồm các loại cây: Cây chó đẻ hiện được chia làm 3 loại khác nhau căn cứ vào dược tính của chúng
Cây chó đẻ thân xanh: đây là loại cây có dược tính mạnh nhất nên được sử dụng chữa trị nhiều bệnh khác nhau. Đặc trưng để nhận biết khi chúng có cành ngắn, ít phân nhánh với lá màu xanh nhạt, ngắn và mỏng hơn các loại khác. Khi nhai sẽ có vị đắng nên được gọi là diệp hạ châu đắng.
Cây chó đẻ thân đỏ: với thân cây có màu đỏ đậm, lá dày và dài nhất so với các loại khác. Đặc trưng của chúng đó là có vị ngọt nên được gọi là diệp hạ châu ngọc và không có dược tính mạnh nên chúng được trồng đại trà.
Cây chó đẻ xanh đậm: đây là loại có dược tính thấp nhất. Thân cây màu xanh đậm, lá thưa, to và rời rạc, chóp nhọn hơn so với 2 loại trên.
II. Đặc điểm của cây Chó đẻ
- Hình dáng bên ngoài: Thân cây chó đẻ nhẵn, cứng, tạo nhiều nhánh ở gần gốc, các nhánh nằm sõng soài hay thẳng, có cánh, có lông cứng dọc theo một bên.
- Kích thước: Cây cao từ 30cm đến 60cm, có thể cao tới 80cm.
- Lá: Lá mọc so le, hình bầu dục, xếp xít nhau thành hai dãy như một lá kép hình lông chim, mặt trên xanh lục nhạt, mặt dưới mày xám nhạt, dài 1 – 1,5 cm, rộng 3 – 4 mm; cuống lá rất ngắn.
- Hoa: Hoa mọc ở kẽ lá, có cuống ngắn, đơn tính cùng gốc; hoa đực ở đầu cành có 6 lá dài, 3 nhị, chỉ nhị ngắn; hoa cái ở cuối cành, 6 lá dài, bầu hình trứng.
- Quả: Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, đường kính 2-2,5 mm, mọc rủ xuống ở dưới lá, có khía mờ và có gai. Cây chó đẻ kết quả vào tháng 7 – 11.
- Hạt: Hạt hình 3 mặt, kích thước 1-1,2 x 0,9–1 mm, màu nâu đỏ hơi xám nhạt, với 12-15 lằn gợn ngang rõ nét ở lưng và các mặt, thường với 1-3 vết lõm sâu hình tròn trên mặt.
III. Tác dụng của cây Chó đẻ
Về đặc tính, cây chó đẻ có vị đắng, hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh can, lương huyết, lợi tiểu, sát trùng, giải độc nên được sử dụng là một vị thuốc đông y có rất nhiều tác dụng trong quá trình chữa bệnh.
Cây chó đẻ có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh như: khôi phục chức năng gan, lợi mật, điều hòa huyết áp, diệt khuẩn, gan nhiễm mở, mụn nhọt, lở ngứa, tiêu hóa; hạn chế tác dộng sinh trưởng của virus viêm gan B, giúp làm sáng mắt, trị phù ứ nước, giải độc, trị các chứng ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Chó đẻ
1. Cách trồng cây
- Cách làm đất trồng cây:
Cây có thể phát triển trên mọi loại đất, trừ đất trũng, nơi úng ngập. Tốt nhất là đất pha cát và đặc biệt đất phải đủ ẩm. Có thể trồng riêng rẽ hoặc xen canh trong vườn cây ăn quả chưa khép tán.
Chó đẻ trồng trên đất pha cát hay đất cát pha và đất bạc màu vùng ven biển,được cày bừa kỹ, trừ hết cỏ dại. Lượng phân chuồng, phân vi sinh bón lót tương tự như ở vườn ươm.
Nếu đất có pH dưới 5, cần bón lót tới 1 tấn vôi bột/ha. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, đất trồng cây chó đẻ cần lên luống rộng 1-1,5 m, cao 20-25 cm và rãnh rộng 30cm.
- Cách chọn hạt giống:
Đảm bảo việc chọn lựa hạt giống chất lượng. Bạn nên tìm mua hạt giống tại những nơi uy tín. Việc lựa chọn hạt giống rất quan trọng vì nó sẽ giúp cây phát triển tốt. Chọn giống tốt, thuần chủng thì dược liệu sẽ có năng suất và hiệu quả chữa bệnh cao.
- Cách gieo hạt:
Đất vườn ươm được cày bừa kỹ, vơ hết cỏ, bón lót phân quy ra 1 ha: phân chuồng 30 tấn, phân vi sinh 10 tấn; vôi bột 500kg. Đất vườn ươm lên luống rộng 1m, cao 20 – 25cm. Lượng hạt giống gieo trong vườn ươm 3g/m2 đất (Nếu gieo thẳng vào luống thì lượng hạt giống là 1g hạt giống/10m2 đất).
Trước khi gieo cần xử lý bằng Atonik với tỷ lệ 1 gói Atonik 10g pha với 40 lít nước cho 8 kg hạt giống. Hạt ngâm trong dung dịch này 4 giờ, sau vớt ra để ráo nước, trộn với cát ẩm ủ 3-4 ngày cho đến khi thấy nứt nanh thì đem gieo. Tỷ lệ cây mọc của hạt giống chó đẻ đạt 80-95%.
Đề phòng kiến ăn hạt, sau khi gieo cần phun thuốc basudin (theo liều lượng được nhà sản xuất ghi trên bao bì).
Gieo vãi đều trên mặt luống, xoa nhẹ mặt luống cho lấp hạt, dùng rơm rạ che phủ rồi tưới nước cho ướt rơm rạ để giữ ẩm cho đất. Sau 10 ngày có thể bỏ vật che phủ.
Hạt chó đẻ sẽ mọc sau 5-7 ngày. Khi câu con có 3-4 lá thật cần tỉa bỏ những cây yếu, chỉ để lại mật độ 2×2 cm / cây. Quá trình chăm sóc cây con ở vườn ươm đơn giản, luôn tưới nước cho đất ẩm, sau 20-25 ngày nhổ đi trồng. Lúc này cây giống cao 10–15cm, thân mập, có bộ rễ phát triển thì chúng ta tiến hành đánh cây đi trồng ra hốc.
2. Cách chăm sóc cây
Để thuận lợi cho việc chăm sóc, đất trồng cây chó đẻ cần lên luống rộng 1-1,5 m, cao 20-25 cm và rãnh rộng 30cm.
Khi cây cao 10-15cm thì chúng ta có thể tiến hành trồng ra hốc. Với khoảng cách cây cách cây 20×20cm.
Cây trồng xong, tưới nước ngay, sau 3 ngày dùng dung dịch Atonik 0,1% (1 gói 10 g pha với 10 lít nước) phun vào luống cho cây mau bén rễ, sau 7 ngày xới đất phá váng lần 1, sau 10 ngày phun dung dịch Atonik lần 2, cây trồng cần làm cỏ và xới đất 1 lần nữa trước khi tán lá giao nhau.
Lưu ý: Do trồng vào mùa khô nên thường xuyên phải tưới nước. Thời gian tưới nước tốt nhất là lúc chiều tối hoặc trước 9h sáng.