I. Giới thiệu về cây Sung
- Tên thường gọi: Cây sung
- Tên gọi khác: Cây tụ quả dong, ưu đàm thụ
- Tên khoa học: Ficus racemosa
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Moraceae – Dâu tằm
- Nơi sống: Cây thường mọc hoang dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tại những nơi đất ẩm bìa rừng, nhiều nhất là ven các bờ nước ao, hồ, sông, suối.
- Phân bố:Cây sung được thấy xuất hiện nhiều nhất ở miền nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và ở một số nước nhiệt đới khác như Việt Nam, Ấn độ, Nepal,….
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Thời gian nở hoa: Cây sung thường ra hoa vào tháng 5 – tháng 7
II. Đặc điểm của cây Sung
- Hình dáng bên ngoài: Cây sung thuộc giống cây thân gỗ, vỏ ngoài thân cây nhẵn và có màu nâu ánh xám, có cành nhỏ, màu nâu.
- Kích thước: Cây có chiều cao trung bình khoảng 25 – 30 m.
- Lá: Lá cây sung mang hình trứng thuôn nhọn ở đầu, có màng và lông tơ, chiều dài lá khoảng 1,5 – 2cm. Lá cây thường mọc so le, có cuống dài từ 2 – 3 cm, khi còn non thường có lông tơ còn khi già sẽ hơi xù xì. Lá sung có gốc hình nêm, mép lá nguyên, nhọn đỉnh.
- Hoa: Cây sung có hoa đơn tính cùng gốc. Trong khi hoa cái có cuống nhỏ, các thùy của đài hoa thẳng thì hoa đực lại không có cuống và có 3 – 4 thùy hoa. Mùa ra hoa sung sẽ vào khoảng tháng 5 tới tháng 7 hàng năm.
- Quả: Cây Sung có quả mọc theo chùm ở trên các cành nhỏ ngắn, thi thoảng chúng còn mọc ở nách lá trên các cành non. Quả có hình cầu và có màu xanh khi còn non, còn khi chín sẽ có màu đỏ cam đậm.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Sung
1. Ý nghĩa phong thủy
Trong dân gian truyền lại ‘Sung’ có nghĩa là sung túc, viên mãn. Vì thế, nhiều người không chỉ trồng cây sung để trang trí vườn nhà, mà còn được dùng đặt trên bàn thờ ngày Tết cổ truyền.
Trong phong thủy thì cây sung có sức sống tốt, thế đẹp, quả mọc quanh thân tròn, căng và đẹp với ý nghĩa mang nhiều may mắn, thu hút tiền tài, sung túc. Cung Sung cùng với hoa đào, hoa mai, hoa cúc…là những cây không thể thiếu trong ngày tết. Đối với những người cây cảnh thì cây sung đứng đầu trong bộ tam đa Phúc – Lộc – Thọ (Sung – Lộc Vừng – Vạn Tuế).
2. Tác dụng
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây sung có dáng đẹp với những chùm quả sai trĩu, tán lá rộng nên rất thích hợp dùng trồng làm cảnh ở các công viên, khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái hay ở sân vườn các ngôi biệt thự,… để làm cây bóng mát, giúp lọc khói bụi đem lại bầu không khí quang đãng, trong lành. Chúng còn giúp thêm mảng xanh, tạo vẻ đẹp cảnh quan và đem đến những ý nghĩa tốt lành cho gia chủ.
Bên cạnh đó ngày nay những chậu cây sung bonsai cũng rất được ưa chuộng.
- Tác dụng chữa bệnh
Có thể nói, trong đời sống hiện nay, cây sung đóng vai trò rất lớn trong việc chữa một số bệnh.
Nhiều tác dụng nhất phải kể đến quả sung. Chúng là thành phần không thể thiếu để chữa các bệnh như tăng huyết áp, ngăn ngừa loãng xương, chữa khàn tiếng, đau họng, trị táo bón, viêm loét dạ dày hay có thể ngừa ung thư và tiểu đường,…
Ngoài ra lá của cây sung còn được dùng để trị bỏng, phong tê thấp, sốt rét,…
Người ta còn có thể dùng nhựa sung để chữa một số vết thương ngoài da, ghẻ, áp xe vú hoặc hen.
- Tác dụng khác
Quả sung có thể dùng chấm với muối ớt ăn trực tiếp hoặc muối dưa, dùng để kho chung với thịt, cá mang hương vị rất ngon.
Bên cạnh đó, với các món thịt chua, gỏi cá hay thịt luộc, người ta dùng lá Sung để ăn kèm
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Sung
1. Cách trồng cây
Ngày nay người ta có thể nhân giống cây Sung bằng hạt hoặc bằng cách chiết cành, giâm cành. Trong đó phương pháp nhân giống bằng hạt được áp dụng nhiều hơn vì cho ra cây con khỏe mạnh.
Đầu tiên cần chọn những quả đã đủ chín, thịt mềm để tách lấy hạt. Đem gieo hạt ngay khi chà sát sạch lớp vỏ hạt để hết nhớt. Để hạt dễ mọc có thể ủ hạt ở nơi ấm.
Cần gieo hạt ở nơi đất mịn, sạch cỏ. Sau khi gieo hạt thì dùng rơm rác mục để ủ, đến khi phát triển thành cây con thì tưới nước nhẹ. Có thể bứng đi trồng sau khi cây đạt chiều cao từ 15 – 20cm. Trước đó cần cắt bỏ những lá non nếu có.
Nên trồng cây Sung ở nơi đất có khả năng giữ nước tốt và tránh những nơi đất có cát và nhiều sỏi đá.
Sau đó lấp đất đến cổ rễ của cây rồi nén chặt, tưới nước giữ ẩm cho cây với lượng tưới từ 1 – 2 lần/tuần.
2. Cách chăm sóc cây
Sung cảnh hay các loại cây sung khác không cần phải chăm sóc kỹ lưỡng, đặc biệt. Song để cây này không phân nhiều lá, nhiều cành và vươn dài thì bạn cần chăm sóc, tưới nước và cắt tỉa cho cây. Bởi nước chính là yếu tố quan trọng đến sự phát triển của cây. Vì thế cần phải điều chỉnh lượng tưới nước cho phù hợp để khống chế sinh trưởng của cây.
Bạn có thể bón phân cho cây sung thành nhiều đợt và có thể bón phân NPK và phân ủ chuồng. Nếu vào mùa mưa bạn bón phân và tưới nước thì hãy hòa phân cho thật tan rồi tưới, điều này sẽ tránh tình trạng lá sung bị cháy. Bạn có thể dành thời gian tạo thế, dáng cây theo sở thích.
Để kích thích cây sung nhanh ra quả thì bạn hãy ngừng tưới nước khoảng 15 hoặc 25 ngày và vặt gần hết lá. Sau khi cây ra lá mới thì bạn mới tiếp tục tưới nước và bón phân để giúp cây đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây nhanh ra hoa và quả.