Cây Na

I. Tổng quan

  • Tên thường gọi: Cây Na, Mãng Cầu Ta, Sa Lê, Phan Lệ Chi,…
  • Tên khoa học: Annona squamosa
  • Họ thực vật: Annonaceae (họ Na)
  • Nguồn gốc: Từ vùng châu Mỹ nhiệt đới. Nguồn gốc bản địa của loại cây này là ở quần đảo Angti, hiện nay cây được trồng khắp nơi trong đó có Việt Nam.

II. Đặc điểm

  • Cây na là cây gỗ nhỏ cao khoảng 2-8 m. Thân non màu nâu bạc; thân già màu nâu xám, trên thân có nhiều lỗ bì nhỏ và sẹo lá lồi to rõ.
  • Lá na dạng lá đơn, mép nguyên, lá mọc xen ở hai hàng; phiến lá hình mũi mác, dài 9-13 cm, rộng 3-5 cm. Lá có màu xanh đậm ở mặt trên và nhạt màu hơn ở mặt dưới, mặt dưới có ít lông ở gân lá và nhiều đốm vàng ở phần thịt lá. Gân lá hình lông chim nổi rõ mặt dưới, nhiều gân phụ mọc đối hoặc không đối nhau ở bìa phiến. Cuống lá hình trụ gần tròn, đáy phình to và xanh đậm hơn.
  • Na có cụm hoa với nhiều hoa riêng lẻ mọc đối diện với lá hoặc xim ít hoa mọc ở cành già. Hoa có màu xanh, cánh đều, lưỡng tính, cuống hoa cũng có màu xanh và dài từ 0,8-1,1 cm. Hoa có lá bắc dạng vẩy tam giác, màu xanh, tồn tại lâu; đế hoa lồi.
  • Quả na dạng quả tụ, mỗi lá noãn cho ra 1 quả mọng riêng biệt (múi na) và tất cả các quả này dính vào nhau tạo thành một khối hình tim hoặc hình cầu đường kính 7-10 cm. Mặt ngoài quả (vỏ quả) có màu xanh chia nhiều rãnh, thịt quả màu trắng, mềm và ngọt khi chín. Hạt na hình bầu dục với một đầu thuôn tròn, vỏ hạt màu đen nhẵn bóng, dài khoảng 2-3 cm.

III. Công dụng và ý nghĩa

  • Quả na là một loại trái cây có vị chua ngọt, mùi thơm ngon nên rất được ưa thích. Quả xanh dùng để trị mụn nhọt, làm săn da, tiêu sưng.
  • Hạt thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận.
  • Lá na dùng để trị sốt rét, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ.
  • Rễ và vỏ cây dùng để trị tiêu chảy và trị giun.
  • Cây na không chỉ là cây ăn quả trong vườn nhà mà nó còn giúp tiểu cảnh sân vườn trở nên đẹp hơn, thôn quê và mộc mạc hơn, gợi nhớ về tuổi thơ của mỗi người.
  • Ngoài ra, cây na còn được trồng chậu vừa làm cây cảnh trang trí, vừa làm cây ăn quả, lại thuận tiện cho việc chăm sóc cây và bố trí cây trong vườn.
  • Những chậu cây na trên sân thượng hoặc ban công vừa che một phần nắng gắt của thành thị, vừa tạo môi trường thoáng mát lại có trái cây thưởng thức khi mùa quả về nên được nhiều người ưa chuộng.

IV. Cách trồng và chăm sóc

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

  • Dụng cụ trồng: Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây na. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Dụng cụ trồng phải có đường kính từ 50cm trở lên và cao trên 50cm (chậu càng to cây càng phát triển mạnh).
  • Đất trồng: Na không quá kén đất, tuy nhiên cây sẽ phát triển tốt nhất khi trồng ở đất tơi xốp, dễ thoát nước và có độ pH trung bình từ 5,5 – 6.
  • Bón phân: Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 – 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
  • Chọn na giống: Cây Na thường được trồng bằng hạt hoặc ghép. Vào giữa vụ chọn cây mẹ năng suất cao, chất lượng tốt, đã cho thu 4 – 5 vụ quả ổn định. Chọn quả mắt to, tròn đều, trọng lượng 200 – 300g/quả, để chín kỹ. Sau khi ăn, thu lấy hạt cho vào rổ nhựa mắt nhỏ, dùng tro bếp, cát to xát bỏ hết thịt quả, đãi sạch, phơi khô giòn trong nắng nhẹ 20 – 30 độ C (không phơi vào buổi trưa nắng to). 15 – 20 ngày sau đem gieo.

Lưu ý: Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ…

2. Gieo trồng

  • Trồng bằng hạt: Trước khi gieo ngâm hạt trong nước sạch khoảng 12 – 24 giờ, đãi sạch, ủ hạt trong cát ẩm. 15 – 20 ngày sau hạt nứt nanh, cho vào bầu nilon thủng hai đáy có kích thước 5 x 20cm để trồng. Khi trồng đặt hạt sâu từ 2 – 3cm. Xếp bầu thành luống, làm giàn che mưa to, nắng rát, sương lạnh.
  • Cây con 2 – 3 tháng tuổi cao 20 – 25cm, có 5 – 6 lá thật, thân mập thì đem đi trồng.
  • Ghép: Gốc ghép dùng cây gieo bằng hạt của nó hoặc mãng cầu xiêm, bình bát. Khi đường kính cây đạt 0,8 – 1cm có thể tiến hành ghép. Mắt ghép lấy trên cành đã rụng lá. Nếu gỗ đủ già mà lá chưa rụng thì cắt phiến lá để lại cuống, 2 tuần sau cuống sẽ rụng và có thể lấy mắt ghép.
  • Hố trồng cây na cần được đào rộng và sâu khoảng 50cm. Khoảng cách trồng cây na là 3 x 3m hay 3 x 4m. Có thể tiến hành trồng xen vào chỗ trống trong vườn đã có các cây ăn quả lâu năm.
  • Sau khi chuẩn bị cây giống, đất và dụng cụ trồng xong thì tháo bỏ lớp nilon bao rễ, trồng cây na giống vào, dùng tay chèn nén chặt quanh cổ cây không cho cây lung lay khi tưới. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

3. Chăm sóc

Cần thường xuyên tới nước giữ ẩm cho cây. Tuỳ theo độ tuổi của cây na mà tiến hành lượng phân bón cho phù hợp, lượng phân bón cho cây na trong 1 năm là:
  • Với cây từ 1 – 4 năm tuổi: 15 – 20kg phân chuồng, 0,7kg phân đạm, 0,4kg phân lân và 0,3kg kali.
  • Với cây từ 5 – 8 năm tuổi: 20 – 25kg phân chuồng, 1,5kg phân đạm, 0,7kg phân lân và 0,6kg kali.
  • Với cây trên 8 năm tuổi: 30 – 40kg phân chuồng, 1,7kg phân đạm, 0,8kg phân lân và 0,8kg kali.
Tiến hành bón phân vào các thời kỳ: khi cây đón hoa vào tháng 2 – 3, thời kỳ nuôi cành nuôi quả vào tháng 6 – 7, bón thúc và vun gốc vào tháng 10 – 11.
Về Kim Chung

Viết một bình luận