I. Giới thiệu về cây Dừa cạn
- Tên thường gọi: Cây dừa cạn
- Tên gọi khác: Cây bông dừa, hải đăng, hải đằng, ở Trung Quốc người ta còn gọi nó với cái tên Trường Xuân hoa
- Tên khoa học: Catharanthus roseus (L.) G. Don (Vinca rosea L.)
- Họ thực vật: Dừa cạn thuộc họ Trúc đào ( Apocynaceae)
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc ở vùng Madagascar
- Phân bố: Cây dừa cạn mọc hoang dại và được trống ở nhiều nước nhiệt đới như Việt Nam, Ấn Độ, Philipine, Indonesia… Ở Việt Nam, cây dừa cạn có vùng phân bố tự nhiên tương đối đặc trưng từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang dọc theo vùng ven biển.
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Màu sắc của hoa: Hoa dừa cạn có nhiều màu hồng, trắng, đỏ
- Thời gian nở hoa: Hoa nở quanh năm, chủ yếu là từ tháng 5-9
II. Đặc điểm của cây Dừa cạn
- Hình dáng bên ngoài: Dừa cạn là loại cây thân thảo, mọc đứng, cũng giống như các loại cây họ Trúc đào khác, thân cây có nhựa mủ màu trắng. Màu sắc thân thay đổi theo quá trình sinh trưởng của cây, khi non thân cây có màu xanh nhạt sau đó chuyển dần sang màu hồng tím, có lông ngắn.
- Kích thước: Chiều cao cây khoảng 30 – 50 cm.
- Lá: Các lá có dạng hình ô van hay thuôn dài với kích thước 2,5 – 9cm chiều dài và 1,5 – 3 cm chiều rộng, xanh bóng, không lông với gân giữa màu nhạt hơn và cuốn lá ngắn (1 – 1,8 cm).
- Hoa: Dừa cạn thuộc hoa lưỡng tính, có năm cánh dính với nhau, với nhiều loại màu sắc khác nhau như đỏ, hồng tím, trắng… đậm dần về phía trung tâm.
- Cành: Cây dừa cạn có nhiều cành
- Quả: Quả là một cặp quả đại, dài 2 – 4 cm, rộng 2 – 3 mm chứa 12 – 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng.
III. Tác dụng của cây Dừa cạn
1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây dừa cạn là cây bụi nhỏ, thân thẳng đứng nên thường được trồng bồn, trồng chậu làm cảnh quan sân vườn, tạo thảm hoa, viền hoa trong công viên, đường phố.
Cây dừa cạn rũ với dáng thân mềm mại, hướng xuống đất thích hợp làm hoa dừa cạn rủ chậu treo trang trí ban công, sân thượng, cửa sổ…
2. Tác dụng chữa bệnh
Ngoài ra, cây dừa cạn còn là vị thuốc trong đông y trị được nhiều chứng bệnh như đái đường, sốt rét, máu trắng,…
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Dừa cạn
1. Cách trồng cây
- Chọn giống
Việc chọn giống rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng khi hoa trưởng thành và thu hoạch. Hạt giống hoa Dừa Cạn các loại có thể tìm mua tại cửa hàng hạt giống cây trồng. Có thể mua hạt giống hoa về gieo, sau vài ngày là nảy cây con. Nếu cẩn thận thì nên gieo hạt riêng, chờ cây lớn khoảng gang tay thì bứng ra trồng nơi đất rộng.
Cũng có thể mua sẵn cây ở vườn kiểng, lưu ý chọn những cây khỏe, nhiều búp để còn dưỡng lâu dài. Hoa dừa cạn sau khi rụng sẽ thành quả, quả khô cho rất nhiều hạt. Nhiều hạt rụng xuống nảy cây con mới, nhiều hạt được mình thu hoạch để trồng đợt mới khi cần.
- Kỹ thuật trồng hoa dừa cạn
Cách gieo hạt
Nước ngâm hạt phải là nước ấm. Bỏ hạt vào trong miếng vải sáng màu, túm lại và bỏ vào nước ấm ngâm trong 3 tới 4 giờ. Sau đó để hạt vào giấy ăn, phun ẩm, bỏ giấy ăn và hạt vào túi nilon buộc chặt để chỗ mát trong 3 – 4 giờ.
Đất gieo hạt tốt nhất nên dùng giá thể. Bỏ đất vào khay gieo hạt hoặc cốc gieo hạt có lỗ thoát nước, ấn nhẹ đất. (Giá thể trồng hoa bao gồm có cát đen + bột sơ dừa + trấu hun hoặc sơ dừa + trấu hun tỉ lệ 1:1.)
Dùng đầu tăm tre cho từng hạt xuống khay gieo hoặc cốc gieo và tạo cho chúng khoảng cách nhất định. Sau khi gieo ta phủ lên một lớp đất mỏng.
Lưu ý: Từ lúc gieo hạt tới lúc bứng cây ra trồng là khoảng 1 tháng, lúc này cây bé và lớn rất chậm. Còn tới khi bứng ra chậu cây lớn rất nhanh và đẻ nhiều nhánh. Giai đoạn ươm cây ta nên để cây chỗ có ánh sáng vừa đủ, có mái che để dễ kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ, giúp cây phát triển tốt hơn.
Sau 1 tháng cây ở trong khay, cốc ươm, ta có thể bứng cây ra trồng riêng, lúc này cây đã có từ 4 – 5 lá thật. Mỗi chậu nhựa treo có thể trồng từ 1 – 3 cây con ( tùy loại chậu to hay nhỏ). Có thể phun B1 sau khi bứng cây 1 tuần kích thích bộ rễ phát triển, sau 10 ngày thì có thể dùng phân bón thúc cho cây hoặc phun phân bón lá theo định kỳ tháng ( để tăng đề kháng và dinh dưỡng cho hoa giúp hoa lâu tàn và có màu sắc rực rỡ). Tưới đều đặn ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.
2. Cách chăm sóc cây
Sử dụng phân bón dưỡng hoa. Phân bón dưỡng hoa có tác dụng dưỡng hoa, làm cho hoa có màu sắc sặc sỡ và lâu tàn. Sử dụng muỗng cafe nhỏ, dùng phân bón này khi thấy cây vừa ra nụ hoa. Pha 0,5-1 muỗng cafe/1lít nước phun. Định kỳ 7-10 ngày phun một lần.
Không phun thuốc trên hoa, phun lúc sáng sớm hay chiều mát sau khi cây được tưới đầy đủ nước và đợi khô ráo tán lá. Bảo quản thuốc nơi khô mát, tránh xa tầm tay trẻ em, không cho tiếp xúc với vết thương hở. Nên phun kết hợp với Vitamin B1, phân bón lá 20-20-20 TE để tăng đề kháng và dinh dưỡng cho hoa giúp hoa lâu tàn và có màu sắc rực rỡ.
Cách nhận biết bệnh ở dừa cạn
Nếu cây dừa cạn đang vô cùng tươi tốt mà tự nhiên vao một ngày đẹp trời nào đó mà toàn bộ cây héo rũ và chết cực nhanh thì do cây bị úng rễ . Chúng ta chỉ cần tưới phân siêu ra rễ là ổn, nhưng phải xử lý ngay, để chậm dù chỉ một ngày chắc chắn sẽ khó chữa. Vì vậy để chậu hoa dừa cạn luôn tươi tốt, khỏe mạnh, Các bạn nên thường xuyên kiểm tra cây nếu thấy có những biểu hiện dưới đây phải can thiệp ngay lập tức.
Thứ nhất, nếu toàn bộ cây hoặc một vài cành bị héo rũ từ gốc lên: Kiểm tra gốc sẽ thấy gốc bị thâm và da cây ở gốc hơi sun lại. Nếu dùng móng tay cậy lên thì thấy phần thịt của cây ở gốc không còn xanh mà thâm lại thì cây đã bị thối gốc hoặc bị nấm ở gốc. Biểu hiện này thì cây đã vô phương cứu chữa , cây dừa rủ sống được lúc nào thì hay lúc đó thôi. Mình vì xót xa nên cố chữa cho những cây đã trưởng thành chẳng những cây không khỏi mà còn chết nhanh hơn.
Vì vậy, đừng cố chữa mà tốt nhất cắt cành bị nấm đi, nếu cắt lửng lơ thì bệnh sẽ bị lây lan sang các cành khác. Một điều không kém phần quan trọng nữa là phải cách ly cây bị bệnh, tránh việc dùng tay, kéo vừa cắt cành bị bệnh xong lại cắt cành của cây khỏe là bị lây sang cây khác. Dừa cạn là cây có thể phát triển đến kích thước dài và xum xuê, nên tốt nhất trồng vào chậu chứa được nhiều đất để cây phát triển nhanh và đỡ công chăm sóc.