I. Tổng quan
- Tên thường gọi: Cây cần thăng
- Tên khoa học: Feoniella lucida
- Họ: Cam Rutaceae
- Nguồn gốc: Từ các nước châu Á nhiệt đới (Việt Nam, Ấn Độ, Srilanca, Đông Dương).
- Phân bố: Cây mọc khá phổ biến ở nước ta cũng như nhiều nước ở châu Á: Ấn Độ, Mianma, Lào, Campuchia. Ta có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
II. Đặc điểm
- Thân: Cây gỗ nhỏ, có thể cao tới 10 – 20m, cành và thân nổi u bướu, phân cành ngang. Vỏ màu trắng xám có nhiều vết sần, cành có gai, gai dài 1cm.
- Lá: Lá kép lông chim lẻ, có 2 – 3 đôi lá chét mọc đối, gần như không cuống, nhẵn, dạng màng hay hơi dài, có điểm tuyến thơm; lá chét cuối hình trứng (trái xoan) ngược, xanh bóng, dài tới 4cm; cuống lá có cánh.
- Hoa: Hoa trắng kem, xanh lục hay hơi hồng tía, thành chùm đơn ở kẽ lá, ngắn hơn lá.
- Quả dạng quả mọng, gần hình cầu, đường kính 7 – 8cm có vỏ dày, màu trắng hay hơi xám, bao bởi vỏ quả ngoài màu xanh, hoá gỗ, có thịt màu hồng xám; hạt nhiều, thuôn dẹp, dài 5 – 6mm, có lông. Hoa tháng 2 – 3, quả tháng 10 – 11.
III. Công dụng và ý nghĩa
- Ý nghĩa phong thủy
Cần thăng được viết tắt từ hai từ “CẦN CÙ” và “THẮNG TIẾN”. Bản thân cây luôn thể hiện nỗ lực không ngừng vươn tới vượt qua mọi khó khăn trở ngại để thành công trong cuộc sống.
Theo quan niệm Phong Thủy, trồng cây cần thăng trong nhà, đặt trên bàn, phòng làm việc sẽ giúp cho chủ nhân ‘thăng quan, tiến chức’…
- Tác dụng làm cảnh
Ngày này, người ta thường đặt cây Cần thăng trên bàn làm việc như một lời gợi nhắc chúng ta phải luôn siêng năng cần mẫn để đạt được các mục tiêu trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Bên cạnh đó cây cho dáng đẹp nên cũng rất được yêu thích chọn trồng trong nhà, các công ty, khách sạn,… vừa giúp trang trí nội ngoai thất thêm đẹp, vừa mang ý nghĩa phong thủy tốt.
- Tác dụng chữa bệnh
Quả, vỏ Cần thăng có vị đắng, hôi; lá có mùi thơm, tính mát, không độc. Có tác dụng giải nhiệt, làm se, lợi tiêu hoá và kích thích.
Dịch của thịt quả có tác dụng kích thích sự ngon miệng, giúp tiêu hoá tốt; cũng dùng chống tiết nước bọt và giúp trị mụn nhọt ở miệng. Người ta cho rằng nó có tính chất làm chắc lợi răng.
Vỏ thân (và cả thịt quả) dùng riêng hay phối hợp với vỏ cây Lộc vừng (chiếc) giã ra đắp ngoài da làm thuốc trị các vết cắn, vết đốt của côn trùng và bò sát độc; còn dùng trong trường hợp rối loạn gan do thiểu năng mật, buồn nôn.
Gai và cả vỏ nghiền ra hãm uống được dùng làm thuốc cầm máu trong chứng băng huyết.
Lá có mùi của Hồi, vị thơm, dùng nấu nước uống làm lợi tiêu hoá và gây trung tiện. Trong dân gian, người ta còn dùng lá tươi giã đắp làm mát mắt trị đau mắt đỏ.
Thân cây khi chích sẽ cho một chất nhựa hơi trong màu vàng hay nâu; ở Ấn Độ, người ta dùng nó thay gôm arabic và là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
IV. Cách trồng và chăm sóc
Khi trồng cây Cần thăng cần lưu ý các yếu tố ảnh hưởng chính sau:
- Đất trồng: Cần Thăng là loài rất dễ trồng nên không kén chọn loại đất, bạn chỉ cần lưu ý để rễ cây không bị thối do úng nước thì bạn nên chọn những loại đất tơi xốp, dễ thoát nước. Đừng quên bón phân định kì 1 lần/ tháng để cung cấp dinh dưỡng cho cây nhé!
- Nước: Vì là loài cây ưa nước nên việc cung cấp đủ nước cho cây là rất quan trọng. Tuy vậy bạn cũng không nên tưới quá nhiều nước cho cây. Mỗi tuần bạn nên tưới nước cho cây từ 1-2 lần, mỗi lần tưới khoảng 100-200 ml đối với loại để bàn.
- Nhiệt độ: Loài cây này tuy ưa nước nhưng chúng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 18-26 độ C.
- Ánh sáng: Ánh sáng là một yếu tố quan trọng quyết định màu sắc của lá cây và sự phát triển của chúng. Vì vậy vị trí phù hợp với cây Cần Thăng là sau cửa kính hay cửa sổ với lượng khuếch đại sánh sáng khoảng 40- 60%. Nếu cây được đặt trong những vị trí ít ánh sáng hơn thì mỗi ngày bạn nên trưng chúng ra ngoài nắng từ 3-4 tiếng.
- Độ ẩm: Độ ẩm thích hợp để cây phát triển tốt là từ 70- 80%, bạn nên giữ ẩm đất thường xuyên.